Tuy nhiên, qua rà soát, UBND TP Đà Nẵng nhận thấy không thể thực hiện được 2 yêu cầu trên. Bởi lẽ, Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Đa Phước đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà cho khách hàng vào ở trong dự án.
Do vậy, khi thu hồi dự án là phải thu hồi nhà, đất của toàn bộ các hộ dân đang sinh sống trên khu đất. Sau khi thu hồi, việc giao đất cho các hộ dân không thể thực hiện được. Lý do là không giao đất trực tiếp, mà phải thông qua đấu giá.
"Trong khi đó, phán quyết của tòa án là phải thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi cho công dân tại khu đất này, nên việc này rất khó thực hiện trên thực tế", UBND TP Đà Nẵng nêu lý do.
Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Đa Phước đã bán nhà cho khách hàng vào ở trong dự án. Ảnh: Đoàn Nguyên.
Từ những viện dẫn trên, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng cho phép kiểm tra, rà soát, xác định đầy đủ nghĩa vụ thuế, tài chính phải nộp của các tổ chức, cá nhân có liên quan để thu hồi về ngân sách Nhà nước.
Đà Nẵng kiến nghị Trung ương cho phép địa phương không thực hiện nội dung bản án của TAND Hà Nội về việc thu hồi khu đất 29 ha đất ở khu đô thị quốc tế Đa Phước.
Cũng tại văn bản trên, UBND Đà Nẵng đề xuất tháo gỡ vướng mắc đối với dự án The Sunrise Bay có diện tích 181 ha.
Kết luận năm 2020 của Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND Đà Nẵng thực hiện các thủ tục, quy trình thu hồi dự án 181 ha bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.
UBND thành phố Đà Nẵng cần lưu ý tạo điều kiện để sớm phát triển, khai thác, sử dụng quỹ đất này theo đúng quy định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, tránh xảy ra khiếu kiện sau này.
Qua rà soát, UBND TP Đà Nẵng nhận thấy không thực hiện được yêu cầu trên của Thanh tra Chính phủ. Do vậy, lãnh đạo Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng cho phép kiểm tra, rà soát, xác định đầy đủ nghĩa vụ thuế, tài chính phải nộp của các tổ chức, cá nhân có liên quan để thu hồi về ngân sách Nhà nước.
Đà Nẵng cũng xin phép không thực hiện nội dung thu hồi 181 ha đất tại dự án The Sunrise Bay.