Du lịch mở cửa, địa ốc Đà Nẵng có hồi sinh?

Du lịch mở cửa, địa ốc Đà Nẵng có hồi sinh?

 
 
 
 
 
Sau thời kỳ trầm lắng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường bất động sản Đà Nẵng đang chứng kiến dòng tiền quay trở lại. Điều này xuất hiện khi ngành du lịch dần hồi phục.

 

Du lịch mở cửa, địa ốc Đà Nẵng có hồi sinh?
 

 

Thị trường bất động sản Đà Nẵng đang chứng kiến dòng tiền quay trở lại.

Du lịch là điều kiện cần của địa ốc Đà Nẵng

Ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc Nghiên cứu & Phát triển DKRA Vietnam nhìn nhận việc ngành du lịch mở cửa trở lại và các chuyến bay đón khách quốc tế từ ngày 15/3/2022 có ý nghĩa quan trọng đối với Đà Nẵng - thành phố vốn “sống” bằng du lịch.

Thống kê cho thấy trước khi diễn ra dịch bệnh Covid-19, đóng góp của ngành du lịch vào GRDP Đà Nẵng hằng năm tăng trưởng đều đặn và chiếm tỷ trọng lớn: năm 2016 là 23,72%, năm 2017 là 24,1%, năm 2018 là 26,35%.

Đáng chú ý, năm 2019, con số này đạt 31,4%, tức là du lịch đóng góp gần 1/3 vào GRDP của Đà Nẵng.

Do vây, việc mở cửa du lịch đã tạo tiền đề cho thành phố khôi phục kinh tế, từ đó thị trường bất động sản, nhất là phân khúc nghỉ dưỡng, cũng sẽ có những chuyển biến tích cực, nguồn cung mới có thể sẽ tăng so với năm 2021.

Năm ngoái, phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng, nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng và condotel tại Đà Nẵng hầu như không có nguồn cung mới. Điểm sáng hiếm hoi của thị trường chỉ là nguồn cung căn hộ tăng 76% theo năm; tỷ lệ hấp thụ ở mức 65%, tăng 14 điểm phần trăm so với năm trước đó.

Với sự phục hồi về du lịch, triển vọng của thị trường bất động sản Đà Nẵng trở nên tươi sáng hơn. Tuy nhiên, điều này cũng khiến giới chuyên gia quan ngại về sự trở lại của tình trạng sốt đất.

Nói về vấn đề này, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho biết giai đoạn này năm ngoái, cả nước có 10 tỉnh xảy ra tình trạng sốt đất, chủ yếu do nguồn cung khan hiếm.

Tuy nhiên, “nếu năm nay diễn ra tình trạng sốt đất thì chắc chắn Chính phủ, các bộ ngành, địa phương sẽ nhảy vào cuộc sớm hơn để ngăn chặn”, ông Lực nói và cho rằng để hạn chế sốt đất, các địa phương cần công khai quy hoạch, nén dòng tiền và đặc biệt là nâng cao vai trò của chính quyền địa phương, nắm bắt tình hình khu vực và xử lý ngay khi có thông tin sốt đất.

Góp ý ở một góc nhìn khác, TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn nhìn nhận sốt đất không phải là vấn đề lo ngại nếu như người dân có thể trả được tiền. Tuy nhiên, sốt đất mà người dân không mua nổi thì nơi sốt sẽ trở thành đô thị ma. Vì thế, ông Sơn cho rằng điều cần quan tâm là giá đất có tương xứng với thu nhập của người dân tại địa phương, khu vực đó hay không.

Lối đi nào cho địa ốc Đà Nẵng?

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường địa ốc Đà Nẵng những năm qua trầm lắng là do một loạt nguyên nhân như: ách tắc pháp lý khiến dự án ra hàng chậm; sự bùng phát dịch bệnh, cản trở việc xây dựng và mở bán; quỹ đất trung tâm thành phố ngày càng khan hiếm; dòng tiền đầu cơ rút khỏi thị trường từ năm 2019 và sự cố đáng tiếc của chương trình cam kết lợi nhuận tại một số dự án Bất động sản nghỉ dưỡng đã ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý người mua.

Nhằm thúc đẩy tiềm năng của thị trường, ông Võ Hồng Thắng đề xuất một số giải pháp ở góc độ quản lý nhà nước như: kịp thời công bố thông tin quy hoạch mới nhất để người dân nắm bắt; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, xúc tiến dự án quy hoạch TP. Đà Nẵng giai đoạn năm 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tăng cường đẩy mạnh các chính sách kích cầu, thu hút du lịch địa phương.

Về phía chủ đầu tư, sàn phân phối, các đơn vị này cần tăng cường ứng dụng giải pháp công nghệ; hướng đến phát triển bất động sản bền vững; công khai, minh bạch về pháp lý dự án. Người mua cần tìm hiểu kỹ thông tin quy hoạch, pháp lý dự án, năng lực chủ đầu tư; tránh tâm lý lướt sóng ngắn hạn, thay vào đó cần có một chiến lược đầu tư rõ ràng trong trung hoặc dài hạn.

Tin tức khác