Một dự án du lịch, nghỉ dưỡng tại Sơn Trà, Đà Nẵng
Theo đó, phạm vi ranh giới phân khu du lịch quốc gia Sơn Trà thuộc phân khu sinh thái phía Đông bán đảo Sơn Trà, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà có diện tích khoảng 4.232ha.
Tính chất khu vực lập quy hoạch nhấn mạnh bán đảo Sơn Trà được định hướng là khu du lịch quốc gia, phát triển du lịch sinh thái gắn với nghỉ dưỡng cao cấp.
Trong đó bao gồm các điểm đến tâm linh và các khu nghỉ dưỡng sinh thái, các hoạt động thể thao mạo hiểm, hoạt động du lịch sinh thái biển nhằm khai thác các di tích văn hóa, lịch sử và đặc trưng biển - núi - rừng, đảm bảo cân bằng giữa bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững để bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái của bán đảo Sơn Trà.
Đồng thời phát triển Khu Du lịch Quốc gia Sơn Trà bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền biển đảo, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, gìn giữ tài nguyên thiên nhiên rừng, biển và phòng chống thiên tai.
Định hướng phát triển chính là bảo tồn và phát triển bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà gắn với du lịch sinh thái có mật độ lưu trú thấp, đặc biệt không quy hoạch, phát triển đất ở mới.
Tính chất khu vực lập quy hoạch cũng đã xác định việc phải tuân thủ các quy định về an ninh quốc phòng; tôn trọng pháp lý đã có của các dự án (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyết định giao đất, hợp đồng thuê đất), các dự án yêu cầu được rà soát, sắp xếp lại theo Nghị định 164/2018/NĐ-CP của Chính phủ và Kết luận số 269/KL-TTCP ngày 16/9/2019 của Thanh tra Chính phủ trên các nguyên tắc nêu trên.
Khu vực lập quy hoạch được định hướng phát triển ra sao?
Theo Tờ trình nêu trên, định hướng phát triển đặc trưng phân khu này là bảo tồn và phát triển Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, lá phổi xanh của thành phố, cân bằng giữa bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững để bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái.
Song song với đó là phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà gắn với du lịch sinh thái có mật độ lưu trú thấp, đặc biệt không quy hoạch, phát triển đất ở mới.
Định hướng tổ chức không gian phân khu gắn với yếu tố đặc trưng về cảnh quan tự nhiên, hài hòa với điều kiện địa hình tại khu vực, hình thành các không gian công cộng mở, công trình với hình thức không làm cản trở, che chắn tầm nhìn, tập trung chủ yếu tại các khu vực chân của bán đảo Sơn Trà.
Đồng thời, giải pháp kiến trúc phải phù hợp với đặc điểm địa hình, khí hậu, tạo ra tỷ lệ hài hòa giữa kiến trúc - con người - thiên nhiên, nên sử dụng các loại vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường phù hợp với đặc điểm tự nhiên của địa phương,...
Cũng tại Tờ trình nêu trên, UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, điểm nhấn về không gian tại 3 cửa ngõ trên 3 trục tiếp cận bán đảo Sơn Trà gồm: khu vực Hồ Xanh – Bãi Bụt, khu vực giao cắt giữa đường lên đỉnh Bàn Cờ - đường Hoàng Sa và khu vực Cảng Tiên Sa.