Kinhtedothi - Nhận định về thị trường bất động sản (BĐS) Đà Nẵng cũng như miền Trung, ông Nguyễn Quang Tâm - Giám đốc Công ty BĐS TADALAND cho rằng: Hiện nay, phân khúc tăng trưởng mạnh nhất là BĐS công nghiệp, kế đến là đất nền.
|
Giám đốc Công ty Bất động sản TADALAND Nguyễn Quang Tâm. |
Theo ông, thị trường BĐS Đà Nẵng chịu tác động nặng nề như thế nào do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhất là khi TP bùng phát đợt dịch thứ 3 từ đầu tháng 5/2021?
- Ảnh hưởng đại dịch Covid-19 khiến kinh tế không phát triển, lãi suất tiết kiệm thấp, người dân có tiền không biết làm gì để sinh lời. Sức nén quá lâu dẫn đến có sự dịch chuyển về chủ sở hữu khi các nhà đầu tư muốn chuyển kênh có tính thanh khoản cao, ví dụ như vàng, USD, chủ yếu là tích lũy.
Tháng 3/2021 vừa qua, BĐS Đà Nẵng “sốt” trở lại sau 2 năm “đóng băng”, chủ yếu là đất nền ở Golden Hills, Nam Hòa Xuân, Hòa Quý, chứ đất, nhà phố trung tâm bán rất khó. Tuy nhiên, cơn sốt vừa qua Nhà nước chưa can thiệp mà mới chỉ báo chí “cảnh báo” thì thị trường đã đi xuống. Điều đó cho thấy thực chất là sốt ảo, thậm chí ảo trong tư tưởng và tiềm lực những nhà đầu tư không lớn lắm.
Hiện nay, người dân gặp nhiều khó khăn về công ăn việc làm; Nhà nước dồn tất cả tài chính để lo cho dân, chống dịch Covid-19; thị trường chứng khoán gặp khó; bitcoin đi xuống... Vì thế, không có yếu tố để thị trường BĐS lên lại trong ngắn hạn.
Sau những đợt “sốt đất”, giá BĐS Đà Nẵng giảm mạnh ở nhiều phân khúc và thị trường hiện nay vào giai đoạn “đi ngang”. Theo ông, mặt bằng giá BĐS Đà Nẵng hiện nay như thế nào?
- Theo tôi thời điểm hiện tại giá cả BĐS chưa phù hợp. Cụ thể, giá BĐS tăng quá cao so với mức sống của người dân. Còn trên thực tế, giá BĐS phụ thuộc vào tâm lý của người mua và người bán.
|
''Hiện nay, phân khúc tăng trưởng mạnh nhất ở Đà Nẵng là BĐS công nghiệp, kế đến là đất nền'' - ông Nguyễn Quang Tâm. |
Ông nhận định thế nào về thị trường BĐS Đà Nẵng và miền Trung trong thời gian tới?
- Đối với Đà Nẵng, quỹ đất hiện vẫn còn lớn với 15.000 lô. Tuy nhiên, TP chịu ảnh hưởng của kết luận 2852 (kết luận của Thanh tra Chính phủ về những sai phạm đất đai trên địa bàn Đà Nẵng - PV) chưa giải quyết rốt ráo; chính sách về thời gian sử dụng đất một số dự án lớn chưa giải quyết triệt để.
Tôi nghĩ qua đợt dịch này thì giới đầu tư đã hết sức chịu đựng, các nhà đầu tư nhỏ sẽ ra hàng để cắt lãi ngân hàng.
Thực chất các nhà đầu tư vào thị trường căn hộ Đà Nẵng chủ yếu từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nhưng thời điểm này du lịch “cấm cửa” do dịch bệnh thì thị trường cũng “đóng băng”. Về đất nền, 2 cơn sốt trong thời gian qua quá gần nhau, nhất là đợt tháng 3/2021 rớt quá nhanh khiến giới đầu tư, đầu cơ trở tay không kịp.
Ngoài ra, khi dịch Covid-19 bùng phát thì ai cũng muốn xa lánh thành phố, nơi đông người để về vùng ven mua một mảnh đất sinh sống, cũng xem đây là của để dành. Đây là một ý niệm mới của nhiều người. Điều này cũng tác động nhất định đến thị trường BĐS các địa phương lân cận Đà Nẵng.
Hiện nay, BĐS Đà Nẵng cũng như miền Trung có giao dịch nhưng chậm. Trong ngắn hạn, thị trường không sốt nhưng dài hạn sẽ có xu hướng đi lên. Sau khi kiểm soát dịch 100% và mở cửa du lịch, đặc biệt là Nhà nước kiểm soát được các vấn đề kinh tế vĩ mô như lãi suất ngân hàng, lạm phát thì chắc chắn BĐS sẽ phát triển mạnh.
Theo ông, phân khúc nào ở thị trường này tăng trưởng tốt?
- Hiện nay, phân khúc tăng trưởng mạnh nhất là BĐS công nghiệp. Đơn cử, Khu công nghệ cao Đà Nẵng cơ bản đã lấp đầy với các nhà đầu tư nước ngoài. Kế đến là phân khúc đất nền, bởi giá trị thấp, đối tượng khách hàng nhiều.
Tất nhiên trong tương lai, tăng trưởng trở lại mạnh mẽ nhất sẽ là phân khúc BĐS du lịch.
Ông có tư vấn gì cho nhà đầu tư và người dân khi quyết định mua BĐS lúc này?
- Nhà đầu tư và người dân có nhu cầu thì nên mua những BĐS có pháp lý rõ ràng để tránh xảy ra tranh chấp. Nên ưu tiên những BĐS có tính thanh khoản cao như đất nền chẳng hạn, và lưu ý phải phù hợp với năng lực tài chính.
Xin cảm ơn ông!